Bắc Ninh: “Vỡ trận” vì nước thải của các doanh nghiệp sản xuất giấy: Xả thải bẩn ra môi trường bị xử phạt và đình chỉ hoạt động, đó là lẽ dĩ nhiên mà các cơ sở vi phạm phải chấp hành theo quy định. Nhưng có một thực tế diễn ra suốt bao nhiêu năm qua là không ít doanh nghiệp, cơ sở tái chế giấy chấp nhận việc nộp phạt để tồn tại. Vì số tiền xử phạt vẫn không thấm vào đâu, nếu so với chi phí mà họ phải bỏ ra để đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn và chi phí để vận hành hệ thống đó. Thế nên, chuyện xả nước thải bẩn gây ngập lụt diễn ra ở đây, có lẽ, không phải là điều quá xa lạ nữa.
Bắc Ninh: “Vỡ trận” vì nước thải của các doanh nghiệp sản xuất giấy
Câu chuyện nhiều doanh nghiệp sản xuất tái chế giấy xả thải bẩn ra môi trường, hủy hoại dòng sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã từng được Chuyển động 24h phản ánh cách đây hơn 1 tháng trước.
Mới đây, vào ngày 27/4, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản yêu cầu các Sở ngành và địa phương tập trung chỉ đạo xử lý tình hình ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, Thành phố Bắc Ninh và Cụm Công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du. Đồng thời, giao Công an tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện việc niêm phong nhà xưởng, máy móc khi đình chỉ hoạt động, kiên quyết xử lý ở mức độ cao nhất, thậm chí ở mức hình sự đối với các trường hợp chống đối. Hai ngày sau, đã có 6 doanh nghiệp và hộ sản xuất giấy trên địa bàn phường Phong Khê bị Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt và đình chỉ hoạt động 9 tháng.
Cụ thể, cả 6 cơ sở này đều không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra ngoài môi trường. Với tổng số tiền nộp phạt là 2,23 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Viphaco sản xuất giấy Kraft bị phạt cao nhất, với 695 triệu đồng. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cả 6 trường hợp này đều bị áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ sản xuất 9 tháng. Đồng thời các cơ sở vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn 60 ngày và sau đó báo cáo kết quả khắc phục về tỉnh để tiếp tục xem xét giám sát.
Xả thải bẩn ra môi trường bị xử phạt và đình chỉ hoạt động, đó là lẽ dĩ nhiên mà các cơ sở vi phạm phải chấp hành theo quy định. Nhưng có một thực tế diễn ra suốt bao nhiêu năm qua là không ít doanh nghiệp, cơ sở tái chế giấy chấp nhận việc nộp phạt để tồn tại. Vì số tiền xử phạt vẫn không thấm vào đâu, nếu so với chi phí mà họ phải bỏ ra để đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn và chi phí để vận hành hệ thống đó. Thế nên, chuyện xả nước thải bẩn gây ngập lụt diễn ra ở đây, có lẽ, không phải là điều quá xa lạ nữa.
“Vỡ trận” vì nước thải của các doanh nghiệp sản xuất giấy
Dù trời không mưa và cũng không phải là vùng lụt nhưng tại phường Phong Khê, Thành phố Bắc Ninh trong nhiều ngày cuối tháng 4, thứ nước thải tích tụ đủ loại hóa chất từ các cơ sở tái chế giấy trên địa bàn đã khiến hơn 1.000 em học sinh phải bỏ học giữa chừng.
Em Nguyễn Thị Yến Nhi – học sinh Trường Tiểu học Phong Khê, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh – cho biết: “Rất hôi và thối, cảm giác rất chán nản và mệt mỏi vì nước như thế này”.
Bà Nguyễn Thị Đích – bảo vệ Trường Tiểu học Phong Khê, TP Bắc Ninh – thì cho hay: “Sau này sinh bệnh tật ra. Các cháu thì bé. Chúng tôi không thể nào làm việc ở đây được vì quá ô nhiễm”.
Vì nước bẩn ngập sâu kèm mùi hôi thối – sau nhiều ngày không rút, nên địa phương buộc phải cho hai trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phong Khê nghỉ học liên tiếp hơn 1 tuần. Theo lãnh đạo phường Phong Khê, do được yêu cầu tháo dỡ tất cả hệ thống xả thải trái phép không qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê nên nước thải từ các cơ sở sản xuất giấy mới ùn lên từ hệ thống cống thoát, gây ngập trên diện rộng.
Vốn là cơ quan có chức năng kiểm soát và xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường nhưng giờ UBND phường Phong Khê lại trở thành nơi phải hứng chịu nước thải bẩn.
Ở phía bên kia bờ sông Ngũ Huyện Khê – tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại Cụm Công nghiệp Phú Lâm, ở huyện Tiên Du Bắc Ninh.
Ông Ngô Lương Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cho hay: “Như trước đây chưa cấm, họ xả thải ra môi trường ra ngoài đường ống. Khi đã có quyết định yêu cầu của trên yêu cầu thì họ hoạt động giảm hơn và sẽ tràn trong cụm”.
Thay vì xả ra sông thì nay nhiều doanh nghiệp lại xả trực tiếp ra cụm công nghiệp. Và tuyến đường trong cụm lại là nơi hứng chịu nước bẩn, sau khi các cơ quan chức năng ở tỉnh Bắc Ninh cấm các doanh nghiệp tái chế giấy tại đây không được tái diễn hành vi xả thải bẩn ra sông nữa.
Bên cạnh những lợi ích kinh tế mang lại, sự tồn tại và phát triển của các cơ sở này đã làm gia tăng các nguồn gây ô nhiễm môi trường, trong đó có việc xả thải bẩn ra sông. Sự việc người dân phải chung sống với nước thải bẩn ngập lụt do các nhà máy xả thải vừa qua giống như “giọt nước tràn ly” gây bức xúc trong dư luận. Hiện tại, các cơ sở sản xuất và tái chế giấy trên địa bàn chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn thì phải tạm dừng hoạt động để xây dựng, hoàn thiện hệ thống mới. Yêu cầu là như vậy nhưng các cơ sở có thực hiện hay không lại là một chuyện khác.
Bất chấp lệnh cấm, nhiều doanh nghiệp vẫn ngang nhiên xả thải bẩn ra môi trường
Cụm Công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 30 doanh nghiệp và cơ sở tái chế giấy hoạt động. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cam kết theo đúng yêu cầu của địa phương nhưng mà thực tế lại khác khi những hình ảnh phóng viên ghi được thì cho thấy, trong quá trình hoạt động, một số doanh nghiệp không ngần ngại xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra ngoài đường bằng cách để tự tràn hay đục tường, thay vì xả thải bẩn qua các đường ống dẫn ra sông như trước đây.
Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Du, vào ngày 3/4 – đoàn kiểm tra của địa phương đã rà soát phát hiện 9 doanh nghiệp với 12 hệ thống máy bơm, đường ống vi phạm. Rất nhiều vị trí đã bị tháo dỡ sau đó. Nhưng dường như, máy bơm và hai đường ống xả thải cỡ lớn nối với bể chứa chung của cụm công nghiệp này lại trở thành ngoại lệ.
Xử lý việc xả thải bẩn ra sông – lại trông chờ vào sự tự giác của các doanh nghiệp. Nếu ví việc xả thải bẩn – như một hành vi trộm cắp – thì việc ngăn chặn của chính quyền địa phương ở đây chẳng khác nào – yêu cầu kẻ ăn trộm phải tự hủy đi những đồ nghề phục vụ việc trộm cắp của mình.
Trong khi những đường ống cũ chưa được tháo dỡ – thì một doanh nghiệp khác lại đang tìm cách thiết kế những đường ống mới để sục xuống lòng sông. Khi thấy ống kính máy quay, nhóm công nhân nhanh chóng cất đi máy móc, dụng cụ và rời khỏi hiện trường.
Còn tại Cụm Công nghiệp Phong Khê vào hồi cuối tháng 4, nước thải đủ loại màu sắc từ nhiều cơ sở tái chế giấy vẫn xả ra hệ thống thoát nước chung của cả cụm dù đang trong thời gian phải tạm dừng hoạt động.
Để giải quyết việc ngập úng diễn ra trong khu dân cư, giải pháp được TP Bắc Ninh đưa ra là như thế này: “Trước mắt sử dụng 2 máy bơm điện để bơm ra khắc phục tạm thời” – ông Chu Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh nói.
Doanh nghiệp xả ra môi trường gây ngập úng để rồi địa phương lại bơm ra sông để chống ngập. Một vòng tròn luẩn quẩn đang diễn ra trong cách xử lý ô nhiễm môi trường ở đây. Vì giải pháp triệt để nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm hiện đang nằm trong lộ trình và trong đề án.
Ngần ấy thời gian, nếu không kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải của các đơn vị tại Phong Khê và Phú Lâm thì không ai hình dung được môi trường sẽ bị hủy hoại đến mức độ nào. Vì hiện tại, sông Ngũ Huyện Khê – nơi tiếp nhận nguồn thải của hàng trăm cơ sở tái chế giấy bao nhiêu năm qua – giờ cũng chẳng thể đen thêm vì chất thải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!