Mâu thuẫn trong nhà máy xử lý nước thải TP Vinh

Mâu thuẫn trong nhà máy xử lý nước thải TP Vinh: cán bộ quản lý vận hành nhà máy của Công ty SFC Việt Nam cho biết, mọi việc đang diễn ra bình thường thì bỗng đầu giờ chiều 31/5, ông Hoàng Hồng Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Infravi dẫn theo nhiều người đến phòng vận hành yêu cầu nhân viên Công ty SFC ra khỏi phòng để mượn phòng thực hiện nghiệm thu hệ thống quan trắc tự động. Khi nghiệm thu quan trắc xong thì họ khóa cửa, không cho nhân viên SFC vào, đồng thời chuyển tủ tài liệu, thiết bị của công ty SFC xuống tầng 1

Mâu thuẫn trong nhà máy xử lý nước thải TP Vinh

Việc Công ty cổ phần quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh (Công ty Infravi) đơn phương thay nhiều khóa và làm cửa sắt ở cầu thang đi lên phòng vận hành tầng 2 khiến nhân viên của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển môi trường SFC Việt Nam (công ty liên danh với Infravi để vận hành Nhà máy xử lý nước thải TP Vinh) bất ngờ, bức xúc.

Năm 2009, TP Vinh đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải đặt tại xã Hưng Hoà (TP Vinh). Đây là 1 trong 3 gói thầu của Dự án “Thoát nước và xử lý chất thải các tỉnh miền Trung” với tổng kinh phí gần 400 tỉ đồng, sử dụng vốn vay ODA do Ngân hàng Tái Thiết Đức (KFW) tài trợ. Dự án được khởi công vào tháng 2/2009, với nhiều hạng mục như: Hệ thống mương và giếng tách, hệ thống truyền tải, các trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải với công suất thiết kế 25.000m3/ngày đêm.

Nhức nhối vấn đề xử lý nước thải tại Hà Tĩnh 2

Sau khi hoàn thành thi công, nghiệm thu kỹ thuật và bàn giao tổng thể công trình, ngày 16/1/2013, UBND TP Vinh có quyết định bàn giao công trình nhà máy xử lý nước thải cho Công ty Infravi quản lý, vận hành, bảo dưỡng. Được biết, sau khi bàn giao thì Công ty Infravi chưa thể vận hành nhà máy được trơn tru. Lúc này, đơn vị thi công nhà máy là Công ty SFC được UBND TP Vinh giao công tác quản lý vận hành nhà máy. Công ty SFC đã quản lý vận hành cho đến năm 2015.

Sau đó, ngày 14/5/2015, giữa Công ty Infravi và Công ty SFC thống nhất thỏa thuận liên danh để cùng quản lý, vận hành và bảo dưỡng nhà máy. Đến ngày 18/6/2015, UBND TP Vinh ký hợp đồng từng năm với liên danh để quản lý vận hành nhà máy này.

Ông Nguyễn Phương Thắng – cán bộ quản lý vận hành nhà máy của Công ty SFC Việt Nam cho biết, mọi việc đang diễn ra bình thường thì bỗng đầu giờ chiều 31/5, ông Hoàng Hồng Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Infravi dẫn theo nhiều người đến phòng vận hành yêu cầu nhân viên Công ty SFC ra khỏi phòng để mượn phòng thực hiện nghiệm thu hệ thống quan trắc tự động. Khi nghiệm thu quan trắc xong thì họ khóa cửa, không cho nhân viên SFC vào, đồng thời chuyển tủ tài liệu, thiết bị của công ty SFC xuống tầng 1.

“Thắc mắc trước sự việc trên thì Công ty Infravia đưa ra một thông báo chấm dứt hợp đồng đối với Công ty SFC và không cho nhân viên SFC vận hành. Ít ngày sau, nhiều hệ thống bị Công ty Infravi mua ổ khóa và khóa lại” – Ông Thắng bức xúc.

Theo ông Thắng, lấy lý do thời hạn hợp đồng đã hết nên ngày 29/5, Công ty Infravi ra thông báo chấm dứt liên danh với Công ty SFC. Cùng ngày, Công ty Infravi phát hành giấy mời gửi Công ty SFC nêu: Để thuận lợi trong công tác thanh lý hợp đồng với UBND thành phố Vinh, Công ty Infravi tổ chức buổi làm việc. Thời gian bắt đầu từ 16h ngày 31/5/2019.

Về vấn đề này, chiều 31/5, Công ty SFC đã có Công văn 35 gửi Công ty Infravi nêu: “Việc lập liên danh giữa hai công ty để quản lý, vận hành nhà máy được UBND TP Vinh đề xuất và UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận. Do đó, các quyết định liên quan đến liên danh vận hành nhà máy thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Nghệ An.

Hơn nữa, thời gian Công ty Infravi mời dự họp quá ngắn (kể từ khi chúng tôi nhận được giấy mời đến thời điểm họp chỉ cách 7 giờ đồng hồ), trong khi Công ty Infravi không thống nhất trước với SFC về nội dung, địa điểm và thời gian làm việc. Do đó, SFC không tham gia được buổi họp với thời gian như đề nghị của Infravi; Tính chất của nhà máy là phải vận hành liên tục và ổn định, do đó, trong thời gian chờ giải quyết các đề nghị của Công ty Infravi, Công ty SFC đề nghị Công ty Infravi hợp tác để đảm bảo nhà máy vận hành liên tục, ổn định cho đến khi có cấp có thẩm quyền chấp thuận”.

“Công ty Infravi cũng chỉ là đơn vị liên danh trong quản lý, vận hành nhà máy cho chủ đầu tư như chúng tôi. Họ lấy quyền gì mà yêu cầu người của chúng tôi ra khỏi phòng điều hành. Họ muốn đưa thành sự việc đã rồi khi mời chúng tôi họp với thời gian quá gấp, mà ngay cả thời gian mời họp là 16h như Infravi mời nhưng 14h họ đã xuống tước quyền vận hành nhà máy của nhân viên Công ty SFC” – ông Nguyễn Phương Quý – Tổng Giám đốc Cty SFC bức xúc.

Công ty Infaravi nói gì về việc này?

Ông Hoàng Hồng Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Infravi cho biết, trước khi hết hạn hợp đồng giữa UBND TP Vinh và liên danh vào ngày 31/12/2018, chúng tôi đã nhiều lần bàn bạc với Công ty SFC về việc quản lý, vận hành nhà máy nước thải này. Tuy nhiên, hai bên không có tiếng nói chung.

Theo ông Khanh, căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng giữa UBND TP Vinh và liên danh thì ngày kết thúc hợp đồng là ngày 31/12/2018. Tính đến ngày 31/5/2019 là đã hết thời hạn hợp đồng 5 tháng. Hơn nữa, theo hiệu lực của thỏa thuận liên danh thì “thỏa thuận liên danh có hiệu lực từ ngày ký và theo hiệu lực của hợp đồng quản lý, vận hành nhà máy nước thải. Thỏa thuận chấm dứt hiệu lực trong trường hợp do quyết định của cấp có thẩm quyền về việc điều chỉnh hình thức liên danh, hoặc điều chỉnh thành viên liên danh, hoặc hết hạn hợp đồng quản lý vận hành bảo dưỡng”.

Ngoài ra, theo điều 2, thời hạn và hiệu lực hợp đồng: “Trường hợp muốn kéo dài hợp đồng, trước khi kết thúc thời hạn hợp đồng ít nhất 2 tháng thì bên tham gia hợp đồng phải tiến hành thương thảo việc kéo dài hợp đồng. Và điều 14 của hợp đồng “hai bên chấm dứt hợp đồng khi hết thời hạn của hợp đồng đã thỏa thuận”.

“Theo các điều, khoản của hợp đồng và thỏa thuận liên danh thì chúng tôi chấm dứt liên danh với Công ty SFC chứ không phải chấm dứt hợp đồng giữa liên danh và UBND TP. Việc này là bình thường khi hai bên không có tiếng nói chung và đã hết hạn liên danh cũng như hết hạn hợp đồng với UBND TP” – ông Khanh nói.

Về việc làm các khóa và cửa sắt ngăn ở cầu thang đi từ tầng 1 lên tầng 2 của phòng điều hành theo ông Khanh là để “bảo vệ tài sản” theo Quyết định số 165/QĐ-UBND ngày 16/1/2013 của UBND TP Vinh về việc bàn giao quản lý và vận hành tài sản nhà máy cho Công ty Infravi.

Ông Khanh cho biết thêm: “Chúng tôi không ngăn cản cán bộ của Công ty FSC thực hiện công tác quản lý, vận hành cũng như không đuổi ra khỏi nhà máy. Chúng tôi chỉ làm chủ quản lý, vận hành nhà máy hoạt động tốt theo Giấy phép xả thải số 3191/GP-BTNMT ngày 14/12/2017 của Bộ TNMT”.

Cũng theo ông Khanh, Công ty SFC là nhà thầu ở Hà Nội (không có giấy phép xả thải được Bộ TNMT cấp); làm trái với Điều 2 của hợp đồng đã ký kết, đi ngược lại với Khoản 4, điều 17, Nghị định 80 của Chính phủ “Chủ sở hữu thoát nước tổ chức lựa chọn đơn vị thoát nước trên địa bàn mình quản lý”, hoàn toàn không phù hợp với Hiệp định đã ký kết năm 2002 giữa Chính phủ Việt Nam – Chính phủ Đức. Ngoài ra, dự án này được UBND tỉnh, TP ủy quyền Công ty Infaravi ký kết vay vốn với Ngân hàng tái thiết Đức (KFW). Phía Công ty Infravi phải thu phí thoát nước để trả nợ cho ngân hàng.

Related Posts