Đau đầu vấn đề xử lý nước thải từ các làng nghề: Mặc dù đang “khát” nước sạch nhưng hiện nay người dân xã TĐC Hương Quang (Vũ Quang – Hà Tĩnh) đã tạm ngừng dùng nước máy, chuyển sang nước giếng khoan hoặc nước lấy từ các dòng suối để phục vụ sinh hoạt, ăn uống
Mục Lục
Đau đầu vấn đề xử lý nước thải từ các làng nghề
Tại Hà Nội, hầu hết nước thải từ hoạt động của các làng nghề đều được xả trực tiếp ra ao, hồ, kênh, mương tiêu ngay trong khu vực làng nghề. Làng nghề là một trong những đặc thù của nông thôn Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng nghề đang hoạt động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương. Cùng với tốc độ phát triển, mở rộng các làng nghề truyền thống, môi trường làng nghề đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, trong đó nước thải là một trong những nguyên nhân chính.
Các làng nghề nhìn chung có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu. Trên 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, khiến tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề tiếp tục gia tăng.
Kết cấu hạ tầng nông thôn như đường, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất… dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống thủy sinh vật cũng như môi trường sống của cộng đồng, mà trước tiên người dân làng nghề phải gánh chịu hậu quả.
Các làng nghề đang có xu hướng bị ô nhiễm hữu cơ nặng nề do nước thải từ làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, đặc biệt là nước thải từ khâu lọc tách bã, tách bột đen của quá trình sản xuất tinh bột từ sắn, dong riềng. Ô nhiễm chất vô cơ chủ yếu tập trung tại các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy.
Đáng lo ngại là rất ít làng nghề có hệ thống xử lý nước thải. Tại các làng nghề, nước thải gần như chưa được xử lý một cách hiệu quả, chủ yếu được đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung, hoặc cùng với nước thải sinh hoạt được xả vào hệ thống nước mặt làm đổi màu nước sông, bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Xử lý nước thải làng nghề đang là một trong những thách thức
Xử lý nước thải làng nghề đang là một trong những thách thức về môi trường đối với các địa phương có nhiều làng nghề như Bắc Ninh, Hà Nội… Đã có một số dự án đầu tư xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn được triển khai, tuy vậy tỷ lệ nước thải được xử lý vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các mô hình xử lý ô nhiễm làng nghề mới mang tính thí điểm, chưa được nhân rộng.
Tại Hà Nội, hầu hết nước thải từ hoạt động của các làng nghề đều được xả trực tiếp ra ao, hồ, kênh, mương tiêu ngay trong khu vực làng nghề. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Môi trường, đến đầu năm 2016, chỉ có khoảng 8,8% lượng nước thải được xử lý gây ô nhiễm cục bộ tại các làng nghề ở Hà Nội.
Số liệu công bố năm 2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho thấy, với 62 làng nghề và 27 cụm công nghiệp trên địa bàn đi vào hoạt động, lượng nước thải khoảng 50.000m3/ngày đêm, phần lớn không được xử lý mà chảy thẳng ra các lưu vực sông.
Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh thực hiện năm 2016 cho thấy hàm lượng chất độc BOD5 của nước thải tại các cống thải thôn Tiền Ngoài (phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh) vượt quy chuẩn cho phép 51,3 lần; hàm lượng amoniac cao hơn quy chuẩn cho phép 15 lần. Các vị trí cống thải tại làng nghề Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong) hàm lượng BOD5 vượt 6,4 lần…
Hướng tới giải pháp xử lý nước thải phi tập trung
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở các làng nghề cần có nhiều biện pháp về chính sách, công nghệ, cũng như phải tiêu tốn khoản kinh phí khá lớn. Ngoài ra, việc kêu gọi xã hội hóa các dự án xử lý nước thải cũng cần được quan tâm đẩy mạnh.
Tại Hà Nội, theo Sở Công Thương, để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, thành phố cần 1.350 tỷ đồng. Cụ thể giai đoạn đến năm 2020 cần 750 tỷ đồng để triển khai xây dựng hệ thống tại 50 làng nghề trọng điểm thuộc các huyện Hoài Đức, Vân Canh, Chương Mỹ… Giai đoạn 2021-2030 cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.
Một số trạm xử lý nước thải đã và đang được đầu tư xây dựng, bước đầu cải thiện tình trạng ô nhiễm. Trạm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai với công suất 200-300m3/ngày đêm; Cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức với công suất 20.000m3/ngày đêm, Cụm công nghiệp làng nghề Duyên Thái, Thường Tín với công suất 500m3/ngày đêm; làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, Thanh Oai, với công suất 1.000m3/ngày đêm; hai nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề xã Sơn Đồng và xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) có công suất 4.000 và 8.000m3/ngày đêm…
Thời gian gần đây, giải pháp xử lý nước thải phi tập trung hay xử lý nước thải phân tán được đánh giá là một trong những giải pháp phù hợp và hiệu quả để xử lý nước thải làng nghề ở Việt Nam. Xử lý nước thải phi tập trung chủ yếu dựa vào các giải pháp phòng ngừa thay vì đối phó với các tình huống. Trong hệ thống xử lý, lưu lượng tại các điểm đều nhỏ, nên khi có sự cố giảm thiểu rủi ro cho môi trường.
Ưu điểm của giải pháp này là xử lý nước thải bị ô nhiễm hữu cơ với chi phí xây dựng và vận hành thấp so với các giải pháp khác do quy mô trạm xử lý nhỏ, khoảng cách vận chuyển nước thải từ nguồn ô nhiễm tới trạm ngắn.
Từng trạm sẽ có những công nghệ xử lý khác nhau, tạo thêm cơ hội lựa chọn phương pháp phù hợp với từng khu vực, đồng thời có thể tái sử dụng nước thải đã qua xử lý. Việc vận hành không dùng hóa chất và năng lượng nên rất thân thiện với môi trường. Kỹ thuật vận hành bảo dưỡng đơn giản, thuận tiện cho cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.
Mô hình xử lý nước thải phi tập trung đã áp dụng và có những kết quả nhất định được thực hiện ở làng Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội), làng Viêm Xá (Bắc Ninh), thị trấn Chợ Rã, Chợ Mới (Bắc Kạn)…/.