Đầu tư xử lý nước sinh hoạt hàng tỷ đồng tại vùng tái định cư ở Hà Tĩnh: Ông Đặng Khánh Trình – Chủ tịch UBND xã Hương Điền bức xúc, nhà máy nước sạch mới đi vào hoạt động nhưng đã bộc lộ nhiều tồn tại bất cập: Nguồn nước dẫn từ đập vào bể quá bẩn, màu nước đục, có mùi tanh hôi. Qua kiểm tra hệ thống bồn lọc nước bị rò rỉ, nguồn nước sau hệ thống lọc còn nhiều tạp chất bẩn không xử lý được, nước đục, tanh, chứa nhiều bùn…
Đầu tư xử lý nước sinh hoạt hàng tỷ đồng tại vùng tái định cư ở Hà Tĩnh
Được đầu tư xây dựng rất bài bản, tiêu tốn hàng tỷ đồng để phục vụ vùng tái định cư (TĐC), nhưng nhà máy nước sạch tại xã Hương Điền, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) đi vào hoạt động chỉ để cấp nước tưới cây. Tại Khu tái định cư xã Hương Điền, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh), nhà máy nước sạch vừa mới đưa vào hoạt động chưa đầy một năm nhưng không một ai sử dụng sinh hoạt do nước quá bẩn. Mặc dù vậy, hàng ngày nhà máy vẫn cấp nước bình thường, được miễn phí sử dụng trong vòng hai năm nên người dân chỉ dùng để tưới cây.
Ông Đặng Khánh Trình – Chủ tịch UBND xã Hương Điền bức xúc, nhà máy nước sạch mới đi vào hoạt động nhưng đã bộc lộ nhiều tồn tại bất cập: Nguồn nước dẫn từ đập vào bể quá bẩn, màu nước đục, có mùi tanh hôi. Qua kiểm tra hệ thống bồn lọc nước bị rò rỉ, nguồn nước sau hệ thống lọc còn nhiều tạp chất bẩn không xử lý được, nước đục, tanh, chứa nhiều bùn…
UBND xã Hương Điền đã có báo cáo lên cơ quan chức năng, đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu cũng đã cử cán bộ về trực tiếp để tiến hành kiểm tra, khắc phục. Tuy nhiên, chất lượng nước hiện đã qua xử lý vẫn không đảm bảo, nước vẫn bẩn, hôi tanh không thể sử dụng trong sinh hoạt được.
Được biết, công trình nước sạch xã Hương Điền do Ban chuyên trách bồi thường, hỗ trợ, TĐC công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng, công suất phục vụ 8m3/h, được thực hiện theo chủ trương của Nhà nước về xây dựng nhà máy nước sinh hoạt cho Khu TĐC. Theo đó, tháng 12/2017, các đơn vị liên quan đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình cho UBND xã Hương Điền để đưa vào sử dụng cụng cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương.
Công sức, tiêu tốn tiền của hàng tỷ đồng cho nhà máy nhưng đổi lại nhà máy chỉ cấp nước bẩn. Hơn 130 hộ dân, thuộc bốn thôn của xã Hương Điền đã không được sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt như lời hứa ban đầu.
Trở về sinh sống trên vùng đất mới TĐC, nguồn thu nhập chưa được là bao, hộ cao nhất mới đạt 28 triệu đồng/ năm nhưng rất nhiều hộ dân ở xã Hương Điền đã vay mượn, cắn răng chịu khổ chung nhau đào giếng để có nước sạch sinh hoạt.
Chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Kiều, xã Hương Điền cho biết: “Nước máy không sử dụng được nên gia đình tôi phải thuê người khoan giếng để có nước sử dụng. Mặc dù vậy, đồng tiền eo hẹp nên chỉ khoan được giếng nhỏ, sâu chỉ 20m. Đến mùa nắng nóng này, nước khan hiếm cũng không đủ phục vụ sinh hoạt…”.
Là một trong những hộ dân nằm ở thôn kiểu mẫu của xã Hương Điền nhưng gia đình ông Sáu cùng 15 hộ dân khác hàng ngày phải đến xin nước giếng của gia đình Chủ tịch xã Đặng Khánh Trình để sinh hoạt. Trong khi nhà máy nước sạch vẫn cung cấp nước bình thường, không thu tiền, người dân không thể dùng để sinh hoạt ăn uống, tắm giặt vì quá bẩn nên phần lớn các hộ dân nơi đây thoải mái xả nước để tưới cây.
Một cán bộ xã Hương Điền lý giải, không phải bây giờ chúng tôi mới có ý kiến mà ngay từ khi bàn giao công trình cho địa phương sử dụng, UBND xã đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng khắc phục các tồn tại của công trình như phải thiết kế hệ thống lấy nước tầng giữa của lòng hồ để tránh bùn lắng. Tuy nhiên, nhà máy hiện đang sử dụng chung cống xã đập thủy lợi nên nguồn nước trước khi vào hệ thống xử lý rất bẩn, nhiều bùn được khai thác từ tầng đáy của đập.
Ông Phan Thanh Yên – Trưởng Ban bồi thường, hỗ trợ, TĐC công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang thuộc huyện Vũ Quang cho hay: “Vấn đề nhà máy nước sạch chúng tôi đang rất đau đầu. Rõ ràng việc lấy nước từ tầng đáy của đập đưa vào hệ thống xử lý đã không hợp lý rồi, chúng tôi cũng đã có nhiều phương án tính đến như đục thân đập để lấy nước tầng giữa nhưng vìệc làm này liên quan đến an toàn công trình thủy lợi, phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá cho phép nên rất khó khả thi…”.
Tuy nhiên, ông Yên lại cho rằng việc xử lý nước để đạt chuẩn, người dân yên tâm dùng sinh hoạt thì có thể thực hiện được nhưng khó khăn nhất là đào tạo được người vận hành nhà máy. Thực tế, trước khi nhà máy đi vào hoạt động các địa phương đã cử người đi đào tạo nhưng do không có lớp đào tạo. Hiện tại, những người đang vận hành nhà máy chỉ được các đơn vị thi công hướng dẫn nên phần lớn không đáp ứng được yêu cầu.
Để xử lý những bức xúc của người dân, chúng tôi cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Trung tâm y tế dự phòng, Phòng TN&MT… về lấy mẫu để đánh giá chất lượng nước, đồng thời mời cán bộ kỹ thuật về chạy thử, tập huấn cho một số cán bộ được địa phương cử để có kế hoạch vận hành nhà máy sắp tới.
Cũng liên quan đến Dự án thực hiện theo chủ trương của Nhà nước về xây dựng nhà máy nước sinh hoạt cho Khu TĐC thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, vừa qua trên Báo điện tử TN&MT có bài phản ánh: “Nhà máy nước sạch 7 tỷ đồng đóng cửa vì người dân chê bẩn”. Trước vấn đề phản ánh, ông Phan Thanh Yên – Trưởng Ban bồi thường, hỗ trợ, TĐC công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang thuộc huyện Vũ Quang chia sẻ nguyên nhân ngắn gọn là cùng chung thực trạng.